Improved livelihoods including sustainable tourism development

By CECAD

Cải thiện sinh kế thông qua phát triển du lịch bền vững là một cách tiếp cận nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng, đồng thời bảo vệ và duy trì các tài nguyên tự nhiên và văn hóa.

1. Phát triển cộng đồng, Đa dạng hóa sinh kế và Đào tạo

Năm 2006, CECAD giúp thành lập nhóm "Phụ nữ Tiết kiệm và Tín dụng” với số lượng thành viên là 519 phụ nữ trong xã Tử Nê và Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Mục tiêu chính của nhóm này là trao quyền cho phụ nữ dân tộc Mường, giúp họ cải thiện điều kiện và chống lại sự phân biệt đối xử (ít có cơ hội làm việc, hạn chế quyền tự do di chuyển và thiếu tôn trọng). Trong nhóm, các thành viên có thể chia sẻ kiến thức và hỗ trợ lẫn nhau nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển lâu dài. Với sự tài trợ của tổ chức ICCO, CECAD thực hiện dự án Cải thiện sinh kế và nâng cao năng lực”, và thông qua chuỗi hoạt động của dự án, tất cả các hộ nghèo tham gia vào dự án đã thoát nghèo. Cộng đồng địa phương của huyện Tân Lạc có cơ hội được đa dạng hóa các hoạt động sinh kế của mình và có các nguồn thu nhập thay thế khác như từ du lịch và trồng nấm. Các hộ gia đình được tập huấn về cách vượt qua các vấn đề như hạn hán, sâu và dịch bệnh và nhờ đó đã giúp đảm bảo thu nhập. Các hộ nghèo tham gia dự án được hỗ trợ tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo trong khu vực.

CECAD thực hiện một số dự án để trao quyền cho các cộng đồng địa phương bằng cách trao cho họ cơ hội tự đánh giá tài chính và từ đó tăng sự quan tâm của họ đối với các dự án phát triển. Người dân xã Tử Nê và Thanh Hối tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã được đào tạo về cách viết đề xuất trong dự án do ICCO tài trợ, và đã gửi yêu cầu tài trợ cho Ban Phát triển Cộng đồng và CECAD. Sau dự án, người dân thể hiện sự quan tâm đến việc tiếp cận vốn, công nghệ và quy trình canh tác mới, các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh, cũng như tìm kiếm những cơ hội khác.

 Ban Phát triển cộng đồng đã được thành lập ở xã Tử Nê và Thanh Hối. 29 nhóm dựa vào cộng đồng (CBO) đã được thiết lập dưới sự giám sát của CECAD để quản lý các chương trình phát triển cộng đồng. Các CBO này đã thực hiện thành công một số dự án để hỗ trợ phát triển tại nơi họ đang sinh sống và góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương. Đa dạng hóa các hoạt động phát triển kinh tế, như nuôi ong, trồng nấm và chăn nuôi là những lĩnh vực mà các CBO tập trung vào.

Dự án "Nông nghiệp bền vững và người dân tộc Mường sinh sống tại vùng Tây Bắc, Việt Nam" nhằm giảm thiểu nguy cơ từ các loại hóa chất đối với sức khỏe con người và môi trường thông qua việc quản lý tốt hơn và sử dụng bền vững các loại hóa chất nông nghiệp, công nghiệp và tiêu dùng. Dự án khuyến khích nông dân canh tác nông nghiệp bền vững và nâng cao tính chống chịu của cộng đồng địa phương đối với biến đổi khí hậu.

Với sự hỗ trợ từ VECO Việt Nam, CECAD đã thực hiện dự án "Phát triển ngành hàng rau tại Việt Nam - Thí điểm PGS tại huyện Tân Lạc, Hòa Bìnhnhằm tạo ra sự liên kết giữa sản xuất-thị trường và thúc đẩy hỗ trợ chính sách đối với hệ thống PGS (Hệ thống Đảm bảo có sự tham gia) cho PGS Tân Lạc được thành lập. Mục tiêu cuối cùng của dự án là để kết nối các tổ chức nông nghiệp hữu cơ với khu vực tư nhân ở các thành phố lớn, như Hòa Bình và Hà Nội. Kết quả mong đợi của dự án là, chứng nhận chất lượng PGS (hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia) sẽ được công nhận bởi các cơ quan cấp huyện và cấp tỉnh. Nông dân được khuyến khích thay đổi tập quán canh tác của mình bằng các phương pháp hữu cơ an toàn và người tiêu dùng đã được thông báo về nơi để mua các sản phẩm hữu cơ này. Dự án góp phần kết nối các nhóm nông nghiệp hữu cơ với nhau để giám sát chất lượng sản phẩm và gia tăng số lượng rau hữu cơ trên thị trường. Chiến dịch đã khuyến khích được 30 hộ gia đình chuyển sang canh tác hữu cơ và thu hút được hơn 50 khách hàng thường xuyên sử dụng các sản phẩm hữu cơ này. Dự án cũng đã giúp tạo việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bằng cách giúp họ tham gia sản xuất hữu cơ. Quan trọng nhất, dự án giúp thúc đẩy canh tác nông nghiệp bền vững và cải thiện tính chống chịu của cộng đồng địa phương đối với biến đổi khí hậu.

Với sự hỗ trợ của ICCO, hai khu tập trung rác thải đã được xây dựng và hai nhóm thu gom rác thải đã được thành lập tại hai xã Tử Nê và Thanh Hối. Tại thời điểm này, có hơn 300 hộ gia đình đang trả một khoản phí hàng tháng cho việc thu gom rác thải. Rác thải được thu gom từ các xóm nằm trên đường 12B, từ các hộ kinh doanh, trường học và trên các chợ và được xử lý tại một khu vực chung tại xã Tử Nê. Dự án đã tạo ra sự thay đổi tích cực về diện mạo của cả hai xã và hỗ trợ sự phát triển và bảo vệ môi trường của hai xã này.

Tháng 6 năm 2019 đánh dấu sự khởi đầu của dự án “Hỗ trợ thực hiện các hoạt động sinh kế của người dân nhằm giảm thiểu các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học và huy động cộng đồng tham gia bảo tồn đất ngập nước ở huyện Thái Thủy, tỉnh Thái Bình” do Cục bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (BCA), Cục Môi trường Việt Nam (VEA), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với CECAD thực hiện. Dự án nhằm thiết kế và thí điểm mô hình nuôi ngao bền vững tại khu bảo tồn thiên nhiên Thái Thủy với mục tiêu giảm thiểu các mối đe dọa đối với hệ sinh thái và tăng cường sinh kế bền vững cho các hộ gia đình sống ở vùng đất ngập nước ở vùng ven biển.

Để đạt được mục tiêu trên, cộng đồng địa phương, đặc biệt là người dân, cần hiểu được tầm quan trọng của đa dạng sinh học và các giá trị của vùng đất ngập nước, bao gồm các dịch vụ hệ sinh thái. Các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học do các hoạt động kinh tế của con người gây ra đã tác động tiêu cực đến cuộc sống của cộng đồng địa phương, những người sống phụ thuộc vào tài nguyên đất ngập nước. Sự phát triển của nghề nuôi ngao tại huyện Thái Thụy đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển quá mực của hoạt động này đã phá vỡ quy hoạch nuôi và thay đổi cấu trúc của bãi gian triều. Nuôi ngao thâm canh đã làm mất đa dạng sinh học và làm giảm năng xuất ngao. Được triển khai từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 3 năm 2020 tại xã Thái Đô, mô hình nuôi ngao sinh thái đã cho thấy kết quả rõ rệt chỉ sau hai tháng nuôi ngao, so với mô hình nuôi ngao thâm canh. Đáng chú ý, một tổ hợp tác nuôi ngao bền vững cũng đã được thành lập với các quy chế hoạt động được xây dựng bởi chính các thành viên của Tổ hợp tác. Các thành viên của Tổ hợp tác hiện được khuyến khích tham gia vào các liên kết chuỗi giá trị ngao. Chúng tôi hy vọng rằng dự án sẽ tạo ra kết quả tích cực, từ đó góp phần bảo tồn các vùng đất ngập nước trong khu vực, đồng thời duy trì thu nhập bền vững của người dân nuôi ngao.

2. Bảo tồn văn hóa

Trong khuôn khổ dự án “Tìm hiểu bản sắc văn hóa Mường trong bảo vệ môi trường thông qua giáo dục tại xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình”, tại hai trường trung học cơ sở của xã Thanh Hối và xã Tử Nê, các giáo viên đã được khuyến khích áp dụng phương pháp giảng dạy mới được thiết kế bởi phương pháp lấy học sinh làm trung tâm. Dự án đã thực hiện các khóa tập huấn dành cho những giáo viên sẵn sàng áp dụng kỹ thuật mới kết hợp giữa phát triển tính sáng tạo với việc giảng dạy về văn hóa truyền thống của dân tộc Mường. Những kỹ thuật mới này đã giúp gia tăng mối quan tâm của học sinh trong học tập về văn hóa truyền thống và cải thiện mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Ngoài việc có được những kiến thức tốt hơn về văn hóa Mường, học sinh đã nâng cao lòng tự hào đối với quốc gia, dân tộc. Cách tiếp cận mới này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp nhận, được đưa vào áp dụng không chỉ ở Việt Nam mà còn tại các nước trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khuôn khổ các dự án tương tự, CECAD đã có sáng kiến giúp các nhóm dân tộc thiểu số Mường tại các xã Tử Nê và Thanh Hối cùng nhau giữ gìn bản sắc và di sản văn hóa dân tộc Mường. CECAD cũng đã hỗ trợ thành lập các nhóm du lịch (CBO) ở cả hai xã Thanh Hối và Tử Nê. Các nhóm được thành lập bao gồm 44 thành viên; trong đó, 14 thành viên cung cấp dịch vụ cho khách du lịch (bao gồm cả nhà trọ, hướng dẫn viên du lịch và nhà hàng). Ngoài ra, các nhóm sản xuất thủ công mỹ nghệ, nhóm múa và hát các bài hát và làn điệu Mường truyền thống đã được thành lập. Số lượng du khách đến du lịch tại các thôn mỗi năm là khoảng 100 người Việt và 300 khách quốc tế, và có khả năng tăng lên trong thời gian tới.

3. Các biện pháp đảm bảo an toàn về môi trường và xã hội

Các chính sách đảm bảo an toàn về môi trường và xã hội là những công cụ thiết yếu nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu những hậu quả không mong muốn đối với con người và môi trường trong quá trình phát triển. Khi xác định và thiết kế một dự án, các biện pháp đảm bảo an toàn về môi trường và xã hội sẽ giúp đánh giá các rủi ro môi trường và xã hội có thể xảy ra cũng như các tác động (tích cực hoặc tiêu cực) liên quan đến sự can thiệp về phát triển. Trong quá trình thực hiện dự án, các biện pháp đảm bảo an toàn về môi trường và xã hội sẽ giúp xác định các biện pháp và quy trình để quản lý rủi ro có hiệu quả và tăng cường các tác động tích cực. Quá trình áp dụng chính sách đảm bảo an toàn có thể là một cơ hội quan trọng đối với sự tham gia của các bên liên quan, nâng cao chất lượng của các đề xuất dự án và tăng cường quyền sở hữu, đặc biệt là đối với các cộng đồng địa phương là người dân tộc thiểu số.

Năm 2016, CECAD hoàn thành một đề tài nghiên cứu với chủ đề "Nghiên cứu sự phát triển của cây cao su ở vùng Tây Bắc Việt Nam". Nghiên cứu này nhằm mục đích điều tra các chi phí xã hội và môi trường cũng như lợi ích của cây cao su ở phía Tây Bắc của Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu đã góp phần thúc đẩy quá trình nhượng đất đai kinh tế (ELCs) công bằng về mặt xã hội và bền vững về mặt môi trường không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở vùng hạ lưu Tiểu vùng sông Mêkông (LMS). Đồng thời, nghiên cứu này cũng là một trong những nền tảng dữ liệu quan trọng của dự án "Xây dựng bản đồ giới GIS về sinh kế và tính dễ tổn thương của cộng đồng dân tộc thiểu số Thái trong vùng dự án trồng cao su ở vùng Tây Bắc Việt Nam". Dự án nhằm giải quyết vấn đề quản lý đất đai và tài nguyên nước liên quan đến giới bằng cách sử dụng Hệ thống Thông tin Địa lý (GIS) và tổ chức các khóa đào tạo TOT về GIS có lồng ghép yếu tố giới cho các nhà hoạch định chính sách ở cấp tỉnh để thựchiện cách tiếp cận toàn diện và bao trùm trong việc cải thiện các quyết định về quản lý môi trường, rủi ro thiên tai và nâng cao sức chống chịu đối với biến đổi khí hậu. Nếu thành công, cách tiếp cận này sẽ được áp dụng cho các khu vực khác của Việt Nam để thực hiện một chương trình giảm nhẹ có sự phối hợp của các bên nhằm giải quyết các thách thức về suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu và nguy cơ thiên tai ngày càng xảy ra thường xuyên ở cấp địa phương, để đảm bảo sinh kế và môi trường cho các cộng đồng bị ảnh hưởng.


 

4. Phụ nữ làm kinh tế

Tháng 7 năm 2018, CECAD phối hợp cùng với Trung tâm Hợp tác và Phát triển Tây Bắc (NWD) thực hiện dự án “Nâng cao năng lực kinh doanh và xây dựng mô hình điểm về tăng khả năng tiếp cận thông tin kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Lạc Sơn- Hòa Bình”. Dự án mong muốn tăng cường được sự tiếp cận và trao đổi thông tin thị trường nhằm tăng hiệu quả kinh doanh nông sản cho phụ nữ huyện Lạc Sơn., đồng thời hỗ trợ Hội phụ nữ thực hiện nhiệm vụ và Mục tiêu quốc gia về phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 cũng như giúp cải thiện kinh tế và nâng cao vị thế cho phụ nữ dân tộc Mường. Ngoài ra, dự án còn có mục tiêu xây dựng mô hình tăng tiếp cận thông tin hai chiều cho phụ nữ dân tộc thiểu số và tăng tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua nâng cao nhận thức và kĩ năng kinh doanh, tiếp cận và sử dụng hiệu quả thông tin. Từ đó, phụ nữ có thể tham gia vào quá trình ra quyết định, xây dựng và hoạch định chính sách kinh tế - xã hội địa phương. Thông qua chuỗi các hoạt động, dự án đã đạt được những kết quả ở cả cấp thể chế là hiện thực hóa các chính sách liên quan đến Luật Tiếp cận thông tin và phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số cũng như cả cấp dự án là xây dựng được mô hình điểm về Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tìm kiếm cơ hội kinh doanh và sinh kế mới, CECAD đã khởi xướng sáng kiến: “Tăng cường vai trò và vị trí của phụ nữ dân tộc thiểu số Thái và Hmông thông qua việc cải thiện kỹ năng kinh doanh và tiếp cận và sử dụng hiệu quả thông tin tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La”. Sáng kiến nhằm cải thiện cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số Thái và Hmông bằng cách giúp họ cải thiện kỹ năng kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận và sử dụng các thông tin quan trọng để thành công trong kinh doanh. Mục tiêu cuối cùng nhằm tạo ra một nhóm nòng cốt của phụ nữ dân tộc thiểu số Thái và Hmông ở huyện Mộc Châu trở thành doanh nhân sáng tạo và tham gia tích cực vào quá trình ra quyết định và thiết kế các chính sách phát triển kinh tế xã hội địa phương. Dự án đã được thực hiện, và khởi động với sự tham dự của hơn 20 phụ nữ địa phương nhiệt tình tham gia thảo luận cùng với CECAD về những ý tưởng sơ bộ và những thách thức cần phải đối mặt để đi đến thành công của dự án. Với sự hỗ trợ và dẫn dắt của CECAD, nhóm đã tiến hành một chuỗi các hoạt động bao gồm: thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ Khởi nghiệp, đánh giá nhu cầu tập huấn của các thành viên câu lạc bộ và tạo điều kiện cho các tập huấn đó. Các buổi tập huấn và các cuộc hội thảo và đối thoại đã giúp tăng cường hợp tác giữa các cơ quan địa phương tham gia cùng với phụ nữ Thái và Hmông. Thông qua quá trình hợp tác này, cả phụ nữ Thái và Hmông và chính quyền địa phương huyện Mộc Châu được hưởng lợi rất nhiều từ sáng kiến, từ đó góp phần vào mục tiêu giúp tăng cường công bằng xã hội, tăng thu nhập nông thôn, giảm nghèo và phát triển bền vững.

5. Quản lý, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch

CECAD đã thúc đẩy sự tham gia của người dân địa phương trong quá trình ra quyết định phát triển kinh tế-xã hội địa phương và tăng cường năng lực của chính quyền địa phương về tính minh bạch, quản trị và trách nhiệm giải trình. CECAD cũng thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và năng lực giám sát của người dân địa phương về việc thực thi pháp luật và chính sách phát triển nông thôn.

CECAD đã thực hiện dự án "Nâng cao năng lực tổ chức các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) người dân tộc thiểu số Mường ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình". Dự án bao gồm các khóa đào tạo và các chiến dịch để trao quyền cho cáctổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) người dân tộc thiểu số Mường và Thái, lãnh đạo các tổ chức cộng đồng, các hợp tác xã và Hội đồng Nhân dân xã, và tăng cường năng lực của họ để họ có thể chủ động tham gia đóng góp vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương cũng như trong các dự án phát triển, chương trình khác trong cáclĩnh vực có liên quan.

Năm 2014, CECAD đã thực hiện dự án "Các tổ chức xã hội dân sự cộng đồng người dân tộc thiểu số lãnh đạo và dân chủ cơ sở trong các cộng đồng người Mường ở vùng Tây Bắc, Việt Nam". Dự án nhằm (1) Nâng cao năng lực của các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO), thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương và đóng góp vào Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm (SEDP); (2) Đảm bảo SEDP khả thi: các cộng đồng địa phương có khả năng để thực hiện các hoạt động của SEDP cũng như giám sát và đánh giá các hoạt động đó; và (3) Đảm bảo các nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả. Tính đến giai đoạn kết thúc của dự án, tổng số người hưởng lợi đạt 1500 người. Một cẩm nang hướng dẫn về sự tham gia của người dân địa phương trong SEDP đã được biên soạn. Nội dung tài liệu bao gồm quá trình xây dựng SEDP của xã hàng năm, bản SEDP mà người dân đóng góp cũng như các phản hồi nhận được về sự tham gia của người dân, các phương pháp tham gia có hiệu quả, cùng với các ví dụ cụ thể về cách thức ý kiến ​​của người dân được phản ánh trong chính sách. Cuốn Cẩm nang sau khi nhận được các góp ý từ UBND xã và huyện đã được chỉnh sửa phù hợp, và sau đó được phân phối cho người dân, các thành viên CBO, các cán bộ Ủy ban nhân dân xã, huyện, và các cán bộ của các dự án khác đang được triển khai trên địa bàn.

CECAD đã được huyện Tân Lạc trao tặng Bằng khen năm 2008 và 2014, được Ủy ban nhân dân xã Tử Nê trao tặng bằng khen vào năm 2012 vì những đóng góp to lớn của mình trong việc tăng cường năng lực địa phương và xóa đói giảm nghèo cho huyện.

© 2024 CECAD

Please join us through stories on the path to protecting and preserving Vietnam's natural world, for a future where people and wild species thrive together.